Món ăn Việt Nam trong top các món mì ngon nhất châu Á của CNN
Cao lầu được hãng tin CNN (Mỹ) đưa vào top các món mì ngon nhất châu Á. Đến nay, nguồn gốc ra đời món ăn này vẫn còn là những giả thuyết bỏ ngỏ. Cao lầu có phải du nhập từ người Hoa hay người Nhật? Dù sao, cao lầu vẫn là món ăn đặc biệt của Hội An, ra đời ngay trên mảnh đất với nền giao thương phát triển ở thế kỉ XVII-XVIII. Món cao lầu là sự kết tinh của tinh hoa ẩm thực Á – Âu, Đông – Tây, Việt – Chăm – Hoa – Nhật, trên nền văn hóa ẩm thực gốc Việt mà tạo nên.
Cách thưởng thức món cao lầu rất lạ và cái tên gọi cao lầu cũng lạ hoắc. Vì sao lại tên cao lầu? Có phải ăn ở trên lầu cao hay không? Ngay cách chế biến, nguyên liệu đã đậm tính Việt: rau vẫn là nguyên liệu không thể thiếu.
Sợi cao lầu chính là điều tạo nên sự khác biệt cho món ăn này. Sợi cao lầu vẫn làm từ bột gạo nhưng cần phải có tro từ lá cây lấy từ đảo Cù Lao Chàm và nước giếng Bá Lễ của người Chăm tại Hội An mới tạo nên hương vị đặc trưng nhất. Cao lầu phải được ăn kèm với rau sống Trà Quế. Đó là sự kết hợp văn hóa sâu xa theo chiều dài lịch sử tạo nên tinh hoa ẩm thực phố Hội.
Có thể nói, đến nay, cao lầu đã trở thành món ăn đặc trưng nhất của Hội An và của cả Việt Nam. Sợi mì cao lầu được sản xuất tại địa phương theo những bí quyết gia truyền. Ai muốn thưởng thức món này ngon nhất, phải đến với Hội An – nơi có sợi cao lầu tươi ngon, rau sống Trà Quế thơm nứt, thịt heo nuôi từ cám gạo quê, lấy nguồn nước phố Hội…
Một số quán cao lầu có tiếng tại Hội An như cao lầu bà Thanh, cao lầu Không gian xanh, cao lầu ông Toản, cao lầu ông Tý, tiệm cao lầu gia truyền Trung Bắc… Nếu ở xa và muốn thưởng thức món ăn lạ này, thường người ta sẽ mua cao lầu khô từ Hội An đem về. Tất nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thay thế chứ không thể ngon bằng ăn ngay tại phố Hội. Chắc chắn là vậy!